Những năm qua, tình hình nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau phát triển rất mạnh mẽ; năng suất và tôm nuôi đạt khá, đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung đối với kinh tế của tỉnh. Theo kế hoạch năm 2014 diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 7.000 ha. Đến ngày 12/11/2014, diện tích tôm nuôi công nghiệp đạt 7.911ha, tăng 1.919ha so cuối năm 2013, vượt 911ha so kế hoạch; dự kiến đến cuối năm đạt 8.200ha, tăng 2.208ha so cuối năm 2013, vượt 1.200ha so kế hoạch. Nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 59.395ha, tăng 20.395ha so cuối năm 2013, đạt 99% kế hoạch; dự kiến cả năm đạt 60.200ha, tăng 21.200ha so cuối năm 2013, vượt 0,3% kế hoạch. Năng suất thu hoạch tôm nuôi đạt khá (tôm sú công nghiệp 5-6 tấn/ha, tôm thẻ công nghiệp 7-10 tấn/ha; quảng canh cải tiến 0,4 - 0,5 tấn/ha). Bên cạnh đó, khai thác biển cũng đạt khá cao, 10 tháng tăng 15% so cùng kỳ, đạt 99,7% kế hoạch; ước cả năm tăng 2,1% so với năm 2013, vượt 4,1% kế hoạch, góp phần tăng tổng sản lượng thủy sản so cùng kỳ.

Cần có giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi

Mặc dù diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh tăng nhanh, nhưng chưa thật sự bền vững. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch và triển khai thực hiện đầu tư hình thành các cụm nuôi tôm công nghiệp ở các huyện và thành phố Cà Mau, nhưng việc đầu tư vẫn còn rất giới hạn, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn còn hạn chế, điều kiện, nhu cầu của người nuôi tôm chưa được đồng bộ.... Đáng chú ý, do mô hình nuôi tôm công nghiệp cho lợi nhuận cao nên người dân đã tự ý mở rộng diện tích nuôi tôm theo hình thức này mà không theo quy hoạch của tỉnh. Việc một số hộ nuôi tôm tự ý xả nước thải chưa xử lý ra sông, rạch làm nguồn nước trên các sông rạch ở Cà Mau bị ô nhiễm, gây ra tình trạng dịch bệnh bùng phát, gây ô nhiễm môi trường... làm thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2014 đã có 1.245 ha tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh, tăng 333 ha so cùng kỳ. Bên cạnh đó, sự diễn biến phức tạp của thời tiết; chất lượng con giống chưa đạt yêu cầu, nuôi trồng thủy sản còn phân tán nhỏ lẻ, quy trình kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, nuôi quảng canh truyền thống vẫn là chủ yếu, nuôi tôm công nghiệp phát triển nhanh nhưng chủ yếu là tự phát, thiếu tính đồng bộ. Từ đó năng suất, chất lượng, hiệu quả nuôi tôm chưa cao, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.

Thực tế cho thấy, việc phát triển nuôi tôm công nghiệp tự phát, làm môi trường bị hủy hoại, kéo theo nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của tỉnh. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo quy hoạch các cụm nuôi và xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách để đầu tư, phát triển nuôi tôm công nghiệp là một giải pháp cần quan tâm thực hiện tốt để góp phần phát triển nuôi tôm công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan